Nội dung: |
a) Trình tự thực hiện:
-Bước 1: Hộ gia đình trên địa bàn phát sinh khó khăn đột xuất trong năm cần được xét duyệt, bổ sung vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo nộp giấy đề nghị xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo có xác nhận của trưởng thôn đến bộ phận một cửa của Uỷ ban nhân dân cấp xã.
- Bước 2:
+ Cán bộ thường trực tại bộ phận một cửa của Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện lại; nếu hồ sơ đầy đủ theo quy định thì viết giấy biên nhận hồ sơ.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã tổ chức thẩm định theo quy trình rà soát hộ gia đình có khả năng rơi xuống nghèo, cận nghèo theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - TB&XH; báo cáo kết quả thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh.
- Bước 3: Hộ gia đình đến nhận kết quả qua bộ phận một cửa của Uỷ ban nhân dân cấp xã theo quy định.
b) Cách thức thực hiện:
* Nộp hồ sơ: Lựa chọn nộp hồ sơ qua bộ phận một cửa của Uỷ ban nhân dân cấp xã bằng một trong các cách thức sau:
- Nộp hồ sơ trực tiếp;
- Gửi hồ sơ qua đường bưu điện (gửi qua bưu điện thông thường hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích);
* Nhận kết quả: Lựa chọn nhận kết quả qua bộ phận một cửa của Uỷ ban nhân dân cấp xã bằng một trong các cách thức sau:
- Nhận kết quả trực tiếp;
- Đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
c) Thành phần, số lượng hồ sơ:
* Thành phần hồ sơ bao gồm:Giấy đề nghị xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo.
* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
d) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính:Chủ hộ (hoặc thành viên trong hộ được ủy quyền) có nhu cầu xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo.
e) Thời hạn giải quyết:không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận giấy đề nghị của hộ gia đình.
f) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:Ủy ban nhân dân cấp xã.
g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: : Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh. (Trường hợp không ban hành Quyết định công nhận thì cần có văn bản trả lời nêu rõ lý do).
h) Lệ phí: Không
i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Giấy đề nghị xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mẫu tại Phụ lục số 1a ban hành kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - TB&XH.
k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
Hộ gia đình cư trú hợp pháp và đăng ký hộ khẩu thường trú trên địa bàn (hoặc đăng ký tạm trú từ 06 tháng trở lên) có nhu cầu đăng ký xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo do phát sinh khó khăn đột xuất trong năm như:
+ Chịu hậu quả của các rủi ro, biến cố đột xuất trong năm, bao gồm: thiên tai (hạn hán, lũ lụt, bão, giông lốc, sóng thần); môi trường bị ô nhiễm nặng; tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh tật nặng; gặp rủi ro về kinh tế (chịu thiệt hại nặng về các tài sản chủ yếu như nhà ở, công cụ sản xuất, mất đất sản xuất, mất mùa, dịch bệnh); gặp rủi ro về xã hội (bị lừa đảo, là nạn nhân của tội phạm).
+ Có biến động về nhân khẩu trong hộ gia đình (như sinh con, có thêm con dâu về nhà chồng, bộ đội xuất ngũ trở về gia đình, có thành viên đem lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình bị chết và các trường hợp biến động khác về nhân khẩu gây các tác động khó khăn đến điều kiện sống của hộ gia đình).
l) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;
- Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - TB&XHhướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
|